Hơn 264 dự án nhà ở xã hội đang triển khai

"Đề án xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030" đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế, pháp luật về nhà ở xã hội tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tại TP. Đà Nẵng, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị tập huấn "Giới thiệu kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội tại Hàn Quốc và cải thiện chính sách cho Việt Nam". Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ dự án "Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030".

Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam, ông Cho Han Doeg cho biết, chương trình lần này là một mắc xích quan trọng trong dự án phát triển chính sách tổng thể nhà ở xã hội ở Việt Nam trong những năm tới. Chúng tôi mong muốn có thể chia sẻ kinh nghiệm xây dựng phát triển nhà ở xã hội ở Hàn Quốc cho các đơn vị ở Việt Nam. Qua chương trình lần này sẽ là cầu nối để thảo luận về các phương án cải thiện các chính sách phù hợp cho Việt Nam. Thông qua việc chia sẻ các quá trình phát triển của Luật quản lý tại Hàn Quốc.

"Việt Nam đang phát triển nhanh chóng cùng với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, cùng với sự phát triển đô thị hoá và gia tăng dân cư nhanh như hiện nay thì ngày càng cần mở rộng, cải tiến cơ sở hạ tầng xã hội cơ bản, cải tiến thể chế Luật để xây dựng nhà ở xã hội. Từ đó, KOICA có mặt ở đây nhằm hỗ trợ tư vấn chính sách nhà ở xã hội bao gồm phân tích điều kiện phát triển, dự đoán về nhu cầu nhà ở, đề án về mô hình nhà ở xã hội…", ông Cho Han Doeg chia sẻ.

hon 264 du an nha o xa hoi dang trien khai
Ông Cho Han Doeg, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam

Dự án "Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030" do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018.

Khu nhà ở giá rẻ Pruksa do CTCP Đầu tư Dịch vụ tài chính Hoàng Huy đầu tư xây dựng tại xã An Đồng, huyện An Dương (thành phố Hải Phòng) tiếp tục được triển khai mở rộng.

Khu nhà ở giá rẻ Pruksa do CTCP Đầu tư Dịch vụ tài chính Hoàng Huy đầu tư xây dựng tại xã An Đồng, huyện An Dương (thành phố Hải Phòng) tiếp tục được triển khai mở rộng. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, dự án này hỗ trợ hiệu quả trong việc hoàn thiện khung chính sách phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, cơ quan đề xuất dự án, một trong những kết quả đáng ghi nhận là đến nay, dự án cơ bản đã hoàn thành khoảng 90% kế hoạch được phê duyệt. Đặc biệt, dự án đã hoàn thành việc khảo sát và nghiên cứu về dự báo nhu cầu nhà ở cho các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2030.

Cùng đó, các dự thảo báo cáo của 3 hợp phần cũng đã hoàn tất bao gồm: Đánh giá thực trạng nhà ở xã hội của các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp; xây dựng các chính sách nhà ở xã hội tại Việt Nam cho các nhóm đối tượng mục tiêu là các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị hoặc công nhân khu công nghiệp thông qua các bài học từ kinh nghiệm quốc tế; hoàn thiện Luật Nhà ở hiện hành nhằm thúc đẩy các chính sách nhà ở xã hội được đề xuất trong dự án.

Ngoài ra, dự án đã tổ chức 2 khóa đào tạo tại Hàn Quốc và nhiều cuộc hội thảo, hội nghị trong nước. Ban Quản lý dự án và các chuyên gia Hàn Quốc cũng phối hợp chặt chẽ với nhiều bộ, ngành địa phương để tìm hiểu thực trạng, cũng như hoàn thiện các đề xuất, kiến nghị về nhà ở xã hội.

Một trong trong những dấu ấn của dự án là kết quả nghiên cứu đã được tham khảo để sửa đổi Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Cụ thể là việc điều chỉnh quy định dành quỹ đất trong dự án phát triển đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở để phát triển nhà ở xã hội; điều chỉnh cách thức chấm điểm thành cách thức bốc thăm trong trình tự, thủ tục mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội...

Các đề xuất của nhóm tư vấn Hàn Quốc đang được tham khảo để quy định điều kiện lựa chọn chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, cách xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội... tại các thông tư hướng dẫn.

hon 264 du an nha o xa hoi dang trien khai
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Mục tiêu đặc biệt quan trọng mà dự án "Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030" hướng tới là nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện chính sách nhà ở xã hội tại Việt Nam để triển khai trong giai đoạn 2021 - 2030 theo chủ trương của Đảng là từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường, nhất là các đô thị lớn.

Bên cạnh đó là việc nâng cao chất lượng và quản lý tốt quy hoạch đô thị, bảo đảm phát triển bền vững, có chính sách xây dựng khu đô thị mới ven các đô thị lớn, khai thác hiệu quả hạ tầng và tiết kiệm đất; khuyến khích phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp, chủ doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân thuê; hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách còn giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức, nhất là hợp tác công-tư (PPP) phù hợp với thông lệ quốc tế.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, chuyên gia của KOICA cho biết, cần phải đánh giá hiện trạng về các cơ chế, chính sách nhà ở xã hội đã ban hành; khảo sát và nghiên cứu về dự báo nhu cầu nhà ở xã hội; xây dựng chính sách nhà ở xã hội để bổ sung hoặc sửa đổi các nội dung của Luật Nhà ở và Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia liên quan đến nhà ở xã hội; nâng cao năng lực cán bộ các cấp; hội thảo lấy ý kiến của các tầng lớp trong xã hội về các cơ chế, chính sách, đồng thời tạo sự đồng thuận và công khai Dự án tới mọi người dân.

Dự án nghiên cứu về chính sách nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và đề xuất khung pháp lý về chính sách phát triển nhà ở xã hội cho Bộ Xây dựng, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội nêu trên.

Các chuyên gia cũng nghiên cứu và đề xuất Chiến lược phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 trong đó tập trung vào nhóm đối tượng là các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp. Đây là tài liệu quan trọng giúp Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở xã hội trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia dự kiến được thực hiện trong chu kỳ 10 năm, sắp tới là 2021 - 2030, chuyên gia KOICA khẳng định.

Về phía Bộ Xây dựng, Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản Hà Quang Hưng, chia sẻ dự án này phù hợp với Chỉ thị số 03 ngày 25/1/2017 của Thủ tướng về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội đã có yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế bổ sung điều chỉnh cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân phù hợp với tình hình mới; đồng thời phù hợp với chính sách và ưu tiên sử dụng vốn ODA của Chính phủ, đóng góp trực tiếp vào xây dựng chính sách, chiến lược, góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội; đặc biệt, định hướng phát triển nhà ở xã hội tại một số địa phương trọng điểm trên cả nước.

Theo ông Hà Quang Hưng, đề xuất tổng thể của dự án sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách nghiên cứu để bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội nói riêng, cũng như chính sách phát triển nhà ở nói chung; đồng thời bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Việt Nam là nước đang có sự đô thị hóa nhanh và thu nhập của người dân cũng ngày được nâng cao, nhưng bên cạnh đó, một số đối tượng như người nghèo, người có thu nhập thấp cũng tăng lên đáng kể, trong khi đa số các nhà đầu tư bất động sản chỉ chú trọng vào phân khúc nhà ở thương mại cao cấp, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng...

"Nếu không xây dựng được các cơ chế phù hợp để kích cầu đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở giá thấp... nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách an sinh xã hội mà Chính phủ đã đặt ra," ông Hưng phân tích.

Do đó, việc hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê sẽ làm phong phú hơn hàng hóa là nhà ở. Nhiều loại nhà ở do nhiều đối tượng khác nhau thực hiện để đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân và tăng sự công khai, minh bạch cho phân khúc thị trường này trong thời gian sắp tới.

Kết quả của dự án này sẽ là căn cứ để Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, bổ sung các cơ chế chính sách để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước và khả năng chi trả của từng đối tượng; tập trung nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, người có thu nhập thấp ở đô thị, nghiên cứu bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích xây dựng nhà ở cho thuê, nhà ở thương mại giá thấp.

Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng hơn 104.200 căn hộ với tổng diện tích khoảng 5,4 triệu m2. Ngoài ra, cả nước đang tiếp tục triển khai 264 dự án, quy mô xây dựng khoảng 219.000 căn hộ.

Mặc dù kết quả đạt được thể hiện nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua nhưng vần còn thấp so với kế hoạch mới đạt khoảng 42% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 là 12,5 triệu m2 nhà ở.

Ai làm Khu đô thị dân cư Km7 tại Đắk Lắk?

Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk vừa nhận được tờ trình của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Đắk Lắk về việc ...

Đà Nẵng công bố 17 dự án được phép bán cho người nước ngoài

Ngày 13/4, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đã công bố danh sách 17 dự án nhà ở thương mại cho phép tổ chức, cá ...

TP. HCM: Cần "phá rào" cho nhà ở xã hội "mọc" lên

Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng và UBND TP. HCM xem xét sửa ...

Link nội dung: https://www.vietnamfdi.com.vn/hon-264-du-an-nha-o-xa-hoi-dang-trien-khai-a13811.html