#

NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG CHẬM, TRỐN ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI

Đăng bởi THU DUNG

24/11/2023 21:53

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng nay dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Vấn đề rà soát, bổ sung các giải pháp ngăn chặn tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

    Góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu phản ánh, thời gian qua, tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động.

    Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang

    “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc chưa quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Các giải pháp xử lý tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng”.

    Để khắc phục tình trạng này, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bổ sung một số biện pháp, chế tài như: khấu trừ tiền nợ bảo hiểm xã hội tại các tài khoản ngân hàng sau khi đã có thông báo, đôn đốc của cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời gian nhất định (có thể là 3 tháng); công khai danh tính các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng…

    Đồng thời, cần có các quy định đồng bộ, khả thi, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra hiện nay trong việc khởi kiện dân sự và khởi tố hình sự đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

    Đại biểu cũng cho rằng, cần hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của việc khởi kiện, khởi tố đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

    lua-1700837577.JPG

    Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên

     “Nếu mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như dự thảo luật cần phải có chế tài quy định kiểm soát và thực hiện nghiêm xử lý xử phạt nghiêm minh, để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định”.

    Đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật liên quan và đánh giá tác động kỹ hơn các chính sách mới như bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, bổ sung nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc, giảm thời gian đóng bảo hiểm… để bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật, đặc biệt là các nguồn lực tài chính, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, đầu tư quỹ Bảo hiểm xã hội, khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội.

     Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình

     “Rà soát kỹ về quyền trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo hiểm xã hội và tổ chức thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, đặc biệt là vấn đề xử lý vi phạm các đối tượng trốn đóng bảo hiểm xã hội”.

     Cũng trong sáng nay, sau phần thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./.

    Chương trình Thời sự phát sóng lúc 18h30 trên THVL1.

    Bạn đang đọc bài viết "NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG CHẬM, TRỐN ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI" tại chuyên mục THỜI SỰ. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)