#

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

Đăng bởi THU DUNG

04/12/2023 17:11

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng nay, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

    Các đại biểu nhấn mạnh, việc Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm xã hội hóa, chuyển đổi số, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, khắc phục những hạn chế, bất cấp về thể chế, thúc đẩy công khai, minh bạch, khách quan của hoạt động đấu giá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

    Về mức tiền đặt trước trong đấu giá tài sản, hiện có hơn 20 nhóm loại tài sản được đưa ra bán đấu giá với giá trị, tính chất khác nhau. Theo quy định hiện hành, mức tiền đặt trước từ 5-20% đối với tài sản đặc thù, tài sản thông dụng thì do người có tài sản đấu giá quyết định. Một số đại biểu đề nghị giữ quy định như hiện hành, tạo điều kiện thu hút nhiều cá nhân, tổ chức tham giá đấu giá.

    Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH Long An

    “Nếu nâng mức tiền đặt trước lên quá cao có thể ảnh hưởng đến quyền tự do tham gia giao dịch, giảm tính cạnh tranh và ít người tham gia đấu giá. Ví dụ, nâng mức tiền đặt trước lên 40-50% nếu tài sản đưa ra đấu giá có giá trị là 1 tỷ thì người muốn tham gia đấu giá phải chuẩn bị và nộp tiền đặt trước từ 400-500 triệu đồng. Ở đây khác tiền đặt cọc trong giao dịch dân sự. Khi tham gia đấu giá chưa chắc là người trúng giá, mua được tài sản đấu giá. Dù biết rằng, thời gian qua có các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá với mục đích không tốt và sẵn sàng chịu mất tiền cọc. Tôi đề xuất người tham gia đấu giá, trúng đấu giá sau thời gian nhất định mà không nộp tiền và không chứng minh được vì lý do bất khả kháng thì ngoài việc bị mất tiền đặt trước bị phạt nộp thêm, bổ sung thêm chế tài xử phạt vi phạm hành chính”

    Một số đại biểu chỉ rõ, hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói, tuy đã được quy định trong luật hiện hành, nhưng trên thực tế còn ít được sử dụng so với các hình thức khác.

    Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH Cà Mau

    “Hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói vốn là thông lệ quốc tế, chứng minh được ưu thế vượt trội so với hai hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trong việc bảo đảm nguyên tắc đấu giá công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh... Căn cứ vào những sai phạm phổ biến diễn ra trong đấu giá tài sản, Luật Đấu giá chỉ nên duy trì hai hình thức là đấu giá bằng lời nói và đấu giá trực tiếp. Đồng thời, cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các bên liên quan... bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá, người tổ chức đấu giá cũng như Nhà nước”

    Trước đó, trong phiên họp sáng nay, Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với 465/469 đại biểu có mặt tán thành (tương đương 94,13% tổng số đại biểu Quốc hội). Luật này quy định về kinh doanh bất động sản, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh bất động sản và quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025./.

    Chương trình Thời sự phát sóng lúc 18h30 trên THVL1.

    Bạn đang đọc bài viết "QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN" tại chuyên mục THỜI SỰ. Mọi bài vở cộng tác, viết đăng PR liên hệ điện thoại  0945336600  hoặc địa chỉ email (nguyenhoang.us@gmail.com)